Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025.
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN
về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu
ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025
-----
Đại hội Đảng bộ huyện Cần Giuộc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tiếp tục thực hiện chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025. Để đảm bảo tổ chức thực hiện thắng lợi Chương trình đột phá Đại hội đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng Nghị quyết thực hiện gồm những nội dung cụ thể như sau:
I. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG TRỒNG RAU VÀ NUÔI TÔM NƯỚC LỢ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
1. Thành tựu đạt được
Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/HU, ngày 29/11/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về "xây dựng và phát triển vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020" và Chương trình số 12-CTr/HU, ngày 09/01/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về "tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm nước lợ huyện Cần Giuộc đến năm 2020". Huyện đã tích cực triển khai quy hoạch, đầu tư nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện phục vụ sản xuất rau và nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao; hướng dẫn nông dân liên kết, chia sẻ quy trình, kỹ thuật; chủ động tổ chức hội thảo, mời gọi các nhà đầu tư tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tái cơ cấu sản xuất,… Đến nay, toàn huyện có 980,24ha/1.750ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Nuôi tôm nước lợ có 304,32ha/1.250ha ứng dụng công nghệ cao.
Việc tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ bước đầu đã chuyển biến được nhận thức của người dân, làm thay đổi tập quán canh tác và mang lại hiệu quả kinh tế cao so với phương thức canh tác truyền thống trước đây, trong trồng rau năng suất cao hơn từ 15% đến 20%, lợi nhuận tăng khoảng 1,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/1.000m2/vụ canh tác; trong nuôi tôm lợi nhuận trung bình từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha/vụ nuôi, đặc biệt có hộ thu lợi nhuận 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng/ha/vụ nuôi.
Tích cực hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm hướng tới quảng bá và phát triển thương hiệu cây rau của huyện thông qua tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị xây dựng thương hiệu, kết nối giao thương tiêu thụ nông sản, xây dựng trang web "Rau ngon Cần Giuộc". Phong trào phát triển kinh tế hợp tác được quan tâm hỗ trợ phát triển, hiện có 7/16 hợp tác xã rau trên địa bàn huyện đã có chứng nhận VietGAP; Hợp tác xã Phước Thịnh đạt Hợp tác xã điểm của tỉnh.
2. Tồn tại, hạn chế
- Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đan xen với diện tích đất quy hoạch đô thị, dân cư và công nghiệp, diện tích nuôi tôm chưa được quy hoạch cụ thể, người dân tự phát nuôi nhỏ lẻ, rải rác trong vùng dự án chậm triển khai, mặt khác giá đất chuyển nhượng cao nên việc mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Từ đó, việc ứng dụng công nghệ cao chỉ dừng ở mức độ nông hộ, phạm vi ứng dụng hẹp, chỉ giới hạn ở một số nội dung (diện tích trồng rau có nhà lưới, nhà màng chỉ đạt 5,2%, diện tích trồng rau có hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm đạt 25,4%)
- Việc xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoàn chỉnh đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn trong khi khả năng tài chính của đa số người dân còn hạn chế. Chưa xây dựng được thương hiệu nông sản chủ lực tại địa phương nên giá trị tăng thêm của hàng hóa nông sản chưa cao.
- Sự liên kết bốn nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp" chưa chặt chẽ, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn. Còn ít doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác phát huy được vai trò là đầu mối thu mua, tiêu thụ nông sản; chưa hình thành được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
- Nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Chưa có doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ nhu cầu về cây, con giống, nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao.
3. Nguyên nhân
3.1. Khách quan
- Thời tiết diễn biến bất thường, xâm ngập mặn, tình hình ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh xảy ra gây ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng của người dân.
- Nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít; người dân còn tâm lý canh tác theo phương thức truyền thống, e ngại khi tiếp cận công nghệ, mô hình mới do sợ rủi ro; lao động trình độ cao trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu; năng lực quản trị, quản lý, điều hành của hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế.
- Giá đầu vào cây, con giống, vật tư luôn biến động theo chiều hướng tăng trong khi giá thương phẩm đầu ra còn bấp bênh; dịch bệnh trên người và vật nuôi diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
3.2. Chủ quan
- Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ; công tác quản lý, tổ chức thực hiện việc phát triển nông nghiệp theo quy hoạch có mặt còn bất cập; việc khai thác, sử dụng đất nông nghiệp đôi lúc chưa hiệu quả.
- Hoạt động của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp còn lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa phát huy tốt vai trò của mình.
- Công tác phối hợp trong quản lý chất lượng nguồn nước, cây, con giống vật tư nông nghiệp chưa chặt chẽ; trang thiết bị đầu tư phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu.
II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu
- Nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất từ đó mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.
- Xây dựng thành công thương hiệu rau Cần Giuộc, hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, sản xuất nông sản sạch, an toàn gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
- Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị của ngành hàng nông nghiệp. Hướng tới mục tiêu nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
2. Chỉ tiêu
2.1. Về trồng rau
- Diện tích sản xuất rau đạt 1.300 ha. Trong đó, diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 100%.
- Sản lượng rau bình quân là 135.000 tấn/năm (100% rau an toàn).
- Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tỷ lệ diện tích nhà lưới, nhà màng đạt 15% trên tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao.
- Tỷ lệ diện tích áp dụng hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm đạt 50%.
- Tỷ lệ diện tích sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học đạt 100%.
- Phấn đấu có 14 hợp tác xã, tổ hợp tác được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP; có thêm 03 hợp tác xã đạt chuỗi giá trị an toàn vệ sinh thực phẩm.
2.2. Về nuôi tôm nước lợ:
- Đến cuối nhiệm kỳ diện tích thả nuôi 800ha, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 600 ha.
- Sản lượng tôm nước lợ bình quân đạt 5.000 tấn/năm.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác của người dân
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương thực hiện Nghị quyết thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt các chi, tổ hội đoàn thể về các mô hình sản xuất tăng cường ứng dụng công nghệ cao. Phân tích, đánh giá các hiệu quả, lợi ích, ưu thế khi sản xuất ứng dụng công nghệ cao, các quy trình sản xuất đạt chuẩn; kiến thức về lựa chọn cây, con giống, thức ăn, phân bón; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để Nhân dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện.
2. Tổ chức lại sản xuất, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Xác định các vùng nuôi tôm, vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao trọng điểm trên địa bàn để có kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình hạ tầng, giao thông, điện, nước phục vụ sản xuất và giao thương hàng hóa nông sản. Xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao tiên tiến, hiệu quả để nhân rộng. Rà soát cụ thể diện tích nuôi tôm nước lợ hiện nay để tổ chức với quy mô phù hợp, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi trong vùng quy hoạch dự án chậm triển khai để nâng cao thu nhập.
Phối hợp với các sở ngành tỉnh sớm đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, cải tạo các cống ngang đường giao thông để phục vụ kết nối nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, quản lý tốt hệ thống thủy lợi, nguồn nước thải từ các khu cụm công nghiệp. Đầu tư, quản lý, khai thác tốt kênh nội đồng, nạo vét khơi thông dòng chảy các nhánh sông, kênh, rạch chính đảm bảo phục vụ tốt việc cấp, thoát nước cho sản xuất.
3. Củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất
Phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư; cán bộ lãnh đạo cơ sở nắm vững các kiến thức về thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp công nghệ cao. Sắp xếp lại tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức ngành nông nghiệp đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phối hợp với các sở, ngành tỉnh, liên kết, hợp tác với các viện, trường đại học, các chuyên gia đầu ngành thực hiện nghiên cứu các đề tài ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là đối với lĩnh vực sinh học và công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Tổ chức cho nông dân, hợp tác xã tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm; tập huấn, chuyển giao các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất phù hợp điều kiện địa phương và khả năng của người dân; thường xuyên tổ chức các điểm trình diễn các kỹ thuật mới, mô hình hiệu quả để nhân rộng.
Phối hợp sở, ngành tỉnh thường xuyên lấy mẫu, kiểm tra tính chất thổ nhưỡng vùng nuôi trồng tập trung; quan trắc chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
4. Quản lý chặt chẽ việc cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp, chất lượng nông sản
Tuyên truyền, hỗ trợ, trang bị kiến thức pháp luật cho người kinh doanh, người sử dụng vật tư, dịch vụ nông nghiệp; chủ động các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại. Thường xuyên kiểm tra chất lượng, kịp thời loại bỏ, tiêu hủy những vật tư, hóa chất ngoài danh mục, chất cấm sử dụng đảm bảo các sản phẩm rau, tôm đạt tiêu chuẩn an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
5. Huy động các nguồn lực trong và ngoài huyện đầu tư phát triển trồng rau và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Đẩy mạnh liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp", xem đây là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến xây dựng, phát triển vùng nuôi thủy sản công nghệ cao theo hướng nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình tiên tiến đáp ứng yêu cầu giảm chi phí, giải phóng sức lao động, tăng năng suất và tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Có cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và tự động hoá trong sản xuất.
Kịp thời cung cấp thông tin giúp đỡ nông dân nắm bắt các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; làm việc với các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại tăng cường hỗ trợ tạo điều kiện để Nhân dân được tiếp cận và vay vốn sản xuất.
6. Tăng cường tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại; nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác
Chủ động tiếp cận thị trường tiêu thụ thông qua các kênh thương mại. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nguồn thông tin xúc tiến thương mại đáp ứng yêu cầu của sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp.
Xây dựng thương hiệu, khuyến khích phát triển phấn đấu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Duy trì, phát triển website giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của huyện gắn với chỉ dẫn địa lý.
Tổ chức, tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận thông tin, tham gia các sự kiện, lễ hội, phiên chợ nông sản an toàn trên địa bàn huyện và các hội chợ nông sản sạch khác.
Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, chú trọng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác hoạt động sản xuất gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và phát triển thị trường tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản Cần Giuộc vững mạnh. Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp xây dựng đạt chuẩn VietGAP.
Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Hợp tác xã, tổ hợp tác phải chủ động, tích cực tham gia, phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động của Hợp tác xã, tổ hợp tác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này để lãnh, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.
2. Hội đồng nhân dân huyện xây dựng Nghị quyết cụ thể hóa và thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
3. Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết. Định kỳ hàng tháng, quý báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, tham mưu Huyện ủy đánh giá lồng ghép trong Hội nghị 6 tháng, năm và tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm làm cơ sở chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết.
4. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, xã (nòng cốt là Hội Nông dân) tập trung triển khai, quán triệt Nghị quyết trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
5. Các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy, các ban, ngành huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hoá Nghị quyết, phân công tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ, kiểm tra giám sát, kịp thời sơ kết rút kinh nghiệm để thực hiện thắng lợi Nghị quyết.
6. Các đồng chí Huyện ủy viên, người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc phần việc cơ quan, đơn vị mình phụ trách để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.
7. Các Ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Huyện ủy theo dõi tình hình thực hiện; kịp thời báo cáo, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
|
|
T/M HUYỆN ỦY BÍ THƯ (đã ký) Phạm Văn Bốn |
Các tin khác
- Mô hình trồng cây ăn trái kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế (05/05/2022)
- Hội Nông dân xã Long An phối hợp tổ chức hội thảo kỹ thuật canh tác giống lúa ST24 (26/04/2022)
- Trồng nho từ thú vui đến phát triển kinh tế (18/04/2022)
- Cần Giuộc: gương nông dân làm giàu từ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (18/02/2022)
- Cần Giuộc tập trung hỗ trợ người nuôi tôm phục hồi sản xuất sau dịch (28/10/2021)
- Nông dân Tỉnh tham quan mô hình nuôi Vịt trời tại Cần Giuộc (12/10/2020)
- Tổ chức Hội thảo nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (23/09/2020)
- Gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi (20/12/2017)
- Thu nhập cao từ mô hình nuôi gà đẻ trứng (19/12/2017)
- Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao (19/12/2017)
Trang đầu 1 2 Trang cuối