Kỷ niệm 160 năm trận công đồn Tây Dương (16/12/1861-16/12/2021) Khí phách anh hùng của người nông dân Việt Nam được tôn vinh
Ngày 16/12/1861, đêm rằm tháng mười một năm Tân Dậu (16/12/1861), Bùi Quang Diệu đã chỉ huy nghĩa quân tập kích đồn Tây Dương tại Trường Bình (Cần Giuộc), đốt nhà dạy đạo, tiêu diệt viên tri huyện người Pháp và một số lính Mã-tà, Ma-ní. Giặc Pháp phải huy động tàu chiến đến sông Cần Giuộc bắn đại bác dữ dội lên đồn mới đẩy lui được nghĩa quân.
Long An là vùng đất được khai phá sớm với hơn 300 năm lịch sử. Ngay từ buổi đầu khẩn hoang, cư dân Long An nói chung đã kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Qua hàng bao thế kỷ khai phá, sức lao động, khả năng chế ngự thiên nhiên, đã hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây: đoàn kết, năng động, kiên cường, bất khuất… trở thành một truyền thống bền vững, tốt đẹp. Các thế hệ người dân nơi đây sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa với tinh thần kiên cường bất khuất trước kẻ thù để bảo vệ vùng đất mà cha ông đã dày công khai phá.
Chùa Tôn Thạnh, Cần Giuộc, Long An-nơi nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết áng văn bất hữu "Văn tế nghĩa sĩ chết trận Cần Giuộc"
Tháng 2/1861, sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, thực dân Pháp đánh lan ra 3 tỉnh miền Đông. Theo lời kêu gọi của triều đình, nhiều nhân sĩ, hào mục ở Nam Kỳ như Trương Định, Phạm Tuấn Phát, Dương Bình Tâm, Bùi Quang Diệu, Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương)... đã đứng ra chiêu mộ hương dũng, thành lập các đội nghĩa binh chống giặc. Ở Long An, một mặt trận chống giặc hình thành rộng khắp từ Bến Lức qua Cần Đước, Cần Giuộc, đến Tân An,... do các thủ lĩnh nghĩa quân như: Nguyễn Trung Trực, Bùi Quang Diệu, Phạm Tiến, Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị,... chỉ huy dưới ngọn cờ của Bình Tây Đại nguyên soái dân phong Trương Định.
Ông Bùi Quang Diệu - Cai tổng Lộc Thành Trung - là thủ lĩnh của các đội nghĩa binh huyện Phước Lộc (Cần Đước, Cần Giuộc ngày nay). Ông phối hợp với các cánh quân của thủ lĩnh Phạm Tiến ở Gò Đen, Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị ở Tân Thạnh (nay là Châu Thành) hình thành một mặt trận chung từ Bến Lức đến Cần Giuộc qua Tân An, Gò Công dưới cờ của Bình Tây đại nguyên soái dân phong Trương Định.
Ngày 10/12/1861, anh hùng dân tộc, Quản cơ Nguyễn Trung Trực đốt tàu L’Espérance (Hy Vọng) ở Vàm Nhựt Tảo mở đầu phong trào tấn công đánh quân Pháp trên địa bàn từ Gia Định đến Định Tường. Sáu ngày sau trận Nhựt Tảo, vào ngày 16/12/1861, đêm rằm tháng mười một năm Tân Dậu (16/12/1861), nghĩa quân đồng loạt tấn công vào các đồn giặc ở Cần Giuộc, Gò Công và Tân An. Tại Cần Giuộc, Bùi Quang Diệu đã chỉ huy nghĩa quân tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình (Cần Giuộc), đốt nhà dạy đạo, tiêu diệt viên tri huyện người Pháp và một số lính Mã-tà, Ma-ní. Giặc Pháp phải huy động tàu chiến đến sông Cần Giuộc bắn đại bác dữ dội lên đồn mới đẩy lui được nghĩa quân. Trong trận này, 15 nghĩa quân đã anh dũng hy sinh.
Đau xót trước tổn thất lớn lao, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã viết áng văn bất hủ “Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc” mà sau này mọi người quen gọi là “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trở thành một tác phẩm văn học độc đáo, là bản anh hùng ca của người nông dân Nam bộ, khích lệ cao độ tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của nhân dân ta trong hoàn cảnh bị thực dân xâm lược. Kiệt tác văn chương này đã làm rung động mãnh liệt tâm hồn, tình cảm của nhân dân cả nước. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật là sinh động và não nùng cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước. Bài văn tế Nghĩa sĩ cần Giuộc là khúc ca của người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang”.
Khánh thành Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc
Tại Phiên họp toàn thể kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra sáng 23/11/2021 tại Paris-Pháp, đã thông qua nghị quyết về các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất. Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được Đại hội đồng UNESCO vinh danh.
Năm 2021, tỉnh Long An đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc tại thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc. Tượng đài được dựng trên hình tượng 11 nghĩa sĩ đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu theo tinh thần tác phẩm “Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc” của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Khí phách anh hùng của nghĩa sĩ nông dân trong trận đánh đồn Tây Dương năm xưa đã được hiện cụ thể hóa bằng hình tượng nghệ thuật. Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc đã thể hiện được tinh thần và khí phách anh hùng của nghĩa sĩ nông dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của Long An.
Các tin khác
- Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương soi sáng con đường cách mạng Việt Nam (25/05/2022)
- Sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin (25/05/2022)
- Kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 7/5/2022) Tầm vóc chiến thắng Điện Biên Phủ với cách mạng Việt Nam và thế giới (04/05/2022)
- Tác phẩm “Đường Cách mệnh” với vấn đề giải quyết mối quan hệ dân tộc – giai cấp của cách mạng Việt Nam (28/04/2022)
- Vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (26/04/2022)
- Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (26/04/2022)
- Kỷ niệm 152 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2022) (18/04/2022)
- Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) Long An trong ngày 30 tháng 4 (18/04/2022)
- Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2022) (08/04/2022)
- Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến (2/4/1947-2/4/2022) (07/04/2022)
Trang đầu 1 2 3 4 5 Trang cuối