Vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
(TG) - Hệ thống lý luận và phương châm hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều lấy thực tiễn làm điểm xuất phát, lấy độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu hành động. Và, với Người “dĩ bất biến ứng vạn biến” đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo tư tưởng và phương châm ứng xử trong hành động.
TƯ TƯỞNG, PHONG CÁCH, PHƯƠNG PHÁP HỒ CHÍ MINH VỀ “DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN”
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” - đó là câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh vào thời điểm tháng 5 năm 1946 trước khi Người đi sang Pháp để “tìm kiếm một giải pháp hòa bình” để xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và đưa đất nước vượt qua hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Câu nói của Người đã thể hiện quan điểm kết hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa nguyên tắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược, giữa đường lối cách mạng và sách lược cách mạng. “Dĩ bất biến ứng vạn biến là sự cô đúc tất cả tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh”(1). Đối với Người, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Nước ta là một, dân tộc ta là một”; “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”(2) là cái bất biến. Để thực hiện được cái bất biến ấy, trong những tình thế hiểm nghèo, gian nan thử thách, người cách mạng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm, sáng suốt và mưu lược để áp dụng muôn vàn cái “vạn biến” trong đường đi nước bước mà hoàn cảnh đặt ra và đỏi hỏi phải giải quyết.
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - “dĩ bất biến” trong tư tưởng, phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh. Theo Người, “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(3). Cả cuộc đời hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân, đặc biệt là từ sau khi đến với Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin thì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là giá trị bất biến trong tư tưởng và hành động của Người. Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cho nên, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành được độc lập “Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta”(4). Đối với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Theo Người, chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc, để xây dựng một xã hội phát triển cao hơn và tốt đẹp hơn, con người được giải phóng toàn diện. Bởi vì, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(5). Chính vì vậy, Người luôn kiên định: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”(6). Với tư tưởng “Độc lập dân tộc kết hợp với chủ nghĩa xã hội”, Hồ Chí Minh đã tìm ra quy luật vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam - một quy luật “Thuận với chiều hướng tiến hóa của nhân loại”(7), phù hợp với yêu cầu giải phóng của xã hội Việt Nam nói chung và của mỗi con người nói riêng và vì vậy, Người đã mở ra thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc.
Mềm dẻo, linh hoạt về sách lược - “ứng vạn biến” trong tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh. “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”, tư tưởng, phong cách của Người được hình thành và không ngừng hoàn thiện thông qua quá trình rèn luyện, trải nghiệm qua hành động thực tế, đúc rút, tổng kết thành lý luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Các công tác phải phối hợp và liên hệ với nhau, bộ phận phối hợp với toàn cục, v.v.. Mỗi công tác phải hợp với từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh”(8). Để thực hiện “dĩ vạn biến” thì phải luôn mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, trong từng thời điểm và trên mọi lĩnh vực của cuộc đấu tranh cách mạng. Người đã kết hợp nhuần nhuyễn và xử lí một cách hoàn hảo mối quan hệ giữa hai vấn đề tưởng chừng đối lập: tính kiên định về nguyên tắc, lý tưởng, niềm tin và tính linh hoạt, uyển chuyển trong phương pháp tư duy và hành động. Điều đó làm nên phong cách Hồ Chí Minh: vô cùng linh hoạt, uyển chuyển nhưng không xa rời nguyên tắc; vô cùng cương nghị, cứng rắn về những vấn đề nguyên tắc, nhưng không sơ cứng, sáo mòn.
Hồ Chí Minh đã từng nói: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”(9), đó là quá trình lịch sử - tự nhiên. Tư tưởng, phong cách, phương pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến” luôn trong quá trình vận động - “vạn biến” và xoay quanh trục “bất biến”. Với Người, mối quan hệ biện chứng giữa “bất biến” và “vạn biến” đã được Người nhận thức và giải quyết triệt để, nhất quán và đầy sáng tạo trong các giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau. Mục tiêu chiến lược là bất di bất dịch; nhưng tùy hoàn cảnh cụ thể ở trong nước và quốc tế, tùy từng giai đoạn lịch sử mà đề ra những sách lược uyển chuyển, phù hợp.
VẬN DỤNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Với sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp phong trào thi đua yêu nước với cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu, làm cho mọi người thấm nhuần ý thức làm chủ nước nhà và tinh thần cần kiệm xây dựng Tổ quốc, thì chúng ta nhất định thắng lợi”(10), chúng ta tiếp tục kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; kiên định mục tiêu độc lâp dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, trong các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể chúng ta luôn nêu cao cảnh giác cách mạng, khôn khéo, linh hoạt, mềm dẻo trong đối sách nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”(11), luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích nhân dân lên trên hết, trước hết. Trong đó, cần kiên định những nguyên tắc, mục tiêu “bất biến” và mềm dẻo, sáng tạo “vạn biến” những phương pháp, cách thức xử lý phù hợp với thực tiễn. Cụ thể là:
Một là, tiếp tục kiên định mục tiêu, nguyên tắc “bất biến” của cách mạng Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(12). Để thực hiện nguyên tắc “bất biến” này đòi hỏi chúng ta phải:
Trước hết, tiếp tục kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Độc lập dân tộc gắn liền với là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Trong bối cảnh, tình hình mới Đảng ta xác định, tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Trong đó, cần chú trọng hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lâp, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XIII của Đảng, xác định: “Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm hạnh phúc của người dân”. Đây vừa là chủ trương chỉ đạo chiến lược vừa thể hiện sự kiên định mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Để đạt mục tiêu đó, phải luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phải đẩy mạnh thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cơ chế dân chủ được khẳng định trong thực tiễn đời sống xã hội; vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ luôn được phát huy.
Thứ hai, giữ vững và nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Quán triệt và thực hiện quan điểm Đại hội XIII của Đảng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”(13).Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Các tổ chức của Đảng và đảng viên, phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nắm vững, kiên định và chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Cán bộ, đảng viên luôn để cao trách nhiệm nêu gương trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, kiên định quan điểm lấy dân làm gốc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(14), xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hoá; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quôc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ tư, kiên định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa ” trong nội bộ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, với quyết tâm chính trị cao hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, đồng bộ các biện pháp cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Hai là, “vạn biến”, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Trước hết, “vạn biến”, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Kinh nghiệm hơn 90 năm của Đảng ta đã chỉ ra: Đảng thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn giúp Đảng luôn có bản lĩnh chính trị kiên cường, tầm tư duy sáng suốt, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, làm cho Đảng đoàn kết, trong sạch, vững mạnh hơn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được tăng cường luôn là nhiệm vụ then chốt. Cùng với thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, cần phải linh hoạt, sáng tạo, đề cao trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Việc xử lý kỷ luật nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác.
Thứ hai, quán triệt và thực hiện quan điểm Đại hội XIII của Đảng: “Lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”. Tập trung sửa đổi những quy định không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; đổi mới phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, thực hiện nhiều hình thức hội nhập quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam; xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý, văn hoá công sở, văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình thông tin trên internet; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục; nâng cao sức đề kháng của nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hoá, tích cực tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại phù hợp với thực tiễn, từng bước xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Thứ tư, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chúng ta đã xây dựng nên trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là trường phái riêng” - “ngoại giao cây tre”. Đó là sự mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Thứ năm, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là quan điểm “bất biến” của Đảng ta, song trong từng thời điểm, bước ngoặt của cách mạng đều có sự vận dụng phù hợp, sáng tạo để thực hiện tốt quan điểm này. Đại hội XIII, Đảng ta xác định: Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn kết với nền an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, có thể gây đột biến. Chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn thông tin, an ninh mạng,... giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có cả những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải có cách nhìn nhận, ứng xử hết sức khoa học, khôn khéo, mềm dẻo để “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(15). Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn “dĩ bất biến”, “ứng vạn biến” trong lãnh đạo chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Điều đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của Đảng, thể hiện ý Đảng thuận lòng dân trước sự phát triển toàn diện của đất nước.
TS.Trần Việt Thắng
Đại học Bách khoa Hà Nội
Các tin khác
- Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương soi sáng con đường cách mạng Việt Nam (25/05/2022)
- Sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin (25/05/2022)
- Kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 7/5/2022) Tầm vóc chiến thắng Điện Biên Phủ với cách mạng Việt Nam và thế giới (04/05/2022)
- Tác phẩm “Đường Cách mệnh” với vấn đề giải quyết mối quan hệ dân tộc – giai cấp của cách mạng Việt Nam (28/04/2022)
- Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (26/04/2022)
- Kỷ niệm 152 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2022) (18/04/2022)
- Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) Long An trong ngày 30 tháng 4 (18/04/2022)
- Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2022) (08/04/2022)
- Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến (2/4/1947-2/4/2022) (07/04/2022)
- Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/01/2022)
Trang đầu 1 2 3 4 5 Trang cuối