Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) Long An trong ngày 30 tháng 4
Ngày 30/4/1975 hai lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn tung bay trên nóc nhà Tòa thị chính tỉnh và Dinh Tỉnh trưởng ngụy, thị xã Tân An, toàn tỉnh Long An hoàn toàn giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm đầy gian khổ và hy sinh cuối cùng đã giành thắng lợi trong niềm vui hân hoan của toàn miền Nam và của cả nước.
Từ giữa năm 1973, quán triệt sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền chỉ thị các lực lượng vũ trang “Quân giải phóng có quyền trừng trị các đội quân lấn chiếm ngay từ các căn cứ xuất phát hay căn cứ yểm trợ”, như vậy hoạt động quân sự của ta không còn bị giới hạn trong vùng giải phóng mà có thể đánh thẳng vào hậu phương của địch. Tỉnh uỷ Long An nhanh chóng vận dụng Nghị quyết “phát huy mạnh mẽ ba thứ quân, đánh mạnh, đánh đều, đánh liên tục nhằm tiêu diệt sinh lực địch, tiến tới làm tan rã địch”. Với nghị quyết trên đã phản ánh rõ quan điểm lấy đấu tranh vũ trang làm nồng cốt đi trước, tạo đà cho đấu tranh chính trị phát huy. Tiếp theo ta củng cố chủ trương tập trung xây dựng ba tiểu đoàn bộ binh mạnh là Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 45, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 pháo binh, củng cố hai Đại đội đặc công. Ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Châu Thành, ta khôi phục các Đại đội địa phương, các huyện khác cũng có từ một đến hai Trung đội. Đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang, ta còn chỉ đạo rất chặt công tác xây dựng, củng cố các đảng bộ quân sự, đảng bộ huyện và các chi bộ cơ sở xã, ấp. Từ sự chuẩn bị chu đáo đó, ngay trong năm 1973, các Tiểu đoàn của ta đã phối hợp cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích, kết hợp với công tác binh vận, đã tổ chức đánh bại nhiều cuộc càn lớn của địch (tiểu đoàn 319, 338, 329 ở An Ninh, Lộc Giang, Đức Hòa). Sang năm 1974, lực lượng phối hợp ba thứ quân của ta đã tiếp tục tổ chức đánh chặn, tiêu diệt ngăn không cho địch tấn công vào các vùng được giải phóng. Đến cuối năm 1974, với trận đánh Tuyên Nhơn tiêu biểu, ta cơ bản đã lấy được vùng 4 Kiến Tường, lực lượng ta làm chủ quyền kiểm soát hầu hết thời gian trong ngày ở các huyện dọc theo sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông. Các huyện phía Nam vùng lõm căn cứ được mở rộng.
Tháng 4.1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất” quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định. Quân, dân Long An chính thức bước vào cuộc tổng tiến công với nhiệm vụ được trên giao “một là phục vụ chiến đấu cho các đơn vị chủ lực theo hướng Tây và Nam Sài Gòn, hai là tự giải phóng những khu vực còn lại trong tỉnh, ba là đưa lực lượng trực tiếp tham gia chiến dịch tấn công Sài Gòn”. Quán triệt phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” nhân dân các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa đã huy động tối đa các lực lượng tổ chức các hoạt động cung cấp lượng thực, tải đạn, tải vật liệu làm công sự, dẫn đường,... phục vụ cho lực lượng chiến đấu của cấp trên, đồng thời tranh thủ mọi điều kiện, thời cơ chớp lấy tấn công tiêu diệt địch giải phóng địa phương mình. Ngày 28.4 lực lượng sư đoàn 3 của binh đoàn 232 quân ta tiến công giải phòng chi khu Hậu Nghĩa, tiếp đó giải phóng hoàn toàn Đức Hòa vào sáng 29/4/1975, các huyện Đức Huệ, Bến Lức đồng loạt tấn công tiến đến giải phóng hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Ở phía Nam đảng bộ Long An lãnh đạo chỉ huy lực lượng của tỉnh trực tiếp tham gia tấn công Sài Gòn đồng thời tự giải phóng các khu vực của địa phương. Ở Cần Đước lực lượng ta tấn công tiêu diệt căn cứ Rạch Kiến làm tan rã địch tiến tới giải phóng toàn huyện. Lần lượt các huyện Châu Thành, Cần Giuộc, ta chủ động tấn công các đồn bót, buột địch đầu hàng. Ở Kiến Tường, ta đánh chiếm cứ điểm 75 (vùng 6), Tiểu đoàn 504 đánh chiếm lộ 29 (Tân Hòa) buột cơ quan đầu não địch ở thị xã Mộc Hóa đầu hàng sáng ngày 1/5/1975. Như vậy với chiến thắng ở Mộc Hóa, quân dân ta bằng cuộc tổng tấn công và nổi dậy, thần tốc đồng loạt đã buộc địch đầu hàng vô điều kiện, giành toàn thắng cùng với miền Nam và cả nước.
Với vị trí địa lý, địa hình chiến lược của Long An (vùng ven đô của Sài Gòn, thủ đô của ngụy quyền và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á; căn cứ hành lang, cầu nối của miền Đông với miền Tây Nam bộ), thực tiễn đấu tranh của quân và dân Long An qua 9 năm chống Pháp là minh chứng cho sự sáng suốt chỉ đạo của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền khi chọn Long An thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975. Thứ nhất, căn cứ địa Long An có nhiệm vụ giữ vững hành lang chiến lược rất quan trọng nối liền vùng căn cứ, hậu phương chiến lược ở khu vực biên giới (Campuchia) với chiến trường khu 8 và khu 9 trong vận chuyển và và cơ động lực lượng của ta qua toàn bộ Kiến Tường Mộc Hóa. Thứ hai, Long An là chiến trường để thu hút, căng kéo, phân tán một lực lựơng địch đáng kể, “chia lửa” tạo điều kiện thuận lợi cho các khu vực khác của chiến trường Nam bộ. Thứ ba, là bàn đạp chiến lược trực tiếp tấn công Sài Gòn qua 2 đợt “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” của Tết Mậu Thân 1968 và chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4.1975, làm nên đại thắng của cả dân tộc. Những đóng góp to lớn ấy xứng danh với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh chặc” mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trao tặng cho quân và dân Long An.
Vâng lệnh Lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyêt chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, giải phóng miền Bắc tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”, Đảng bộ Long An đã lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 46 năm cho một chặng đường phát triển của đổi mới và thách thức, Long An đang từng bước trưởng thành mạnh mẽ. Càng thêm thấm thía những mất mát của đồng bào, chiến sĩ cho tự do dân tộc, càng không thể quên những trận đánh Quéo Ba, Hậu Nghĩa, Tuyên Nhơn, Rạch Kiến lịch sử của quân, dân Long An của quá khứ.
Nhìn lại giờ khắc sự kiện đáng nhớ đó (lúc 14 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 ở tỉnh lỵ Tân An và 14 giờ 30 phút ngày 1/5/1975 ở Kiến Tường), chúng ta càng thêm trân trọng sự hy sinh anh dũng, thầm lặng của 28.319 liệt sĩ, 8.439 thương binh, 12.000 gia đình có con, em liệt sĩ và hơn 6.000 gia đình có công với cách mạng đã góp công sức to lớn cho sự nghiệp giải phóng cách mạng của cả nước. Có được thành quả đó là do Đảng bộ Long An và nhân dân từng bước trưởng thành qua đấu tranh gian khổ, nuôi dưỡng một lực lượng đội ngũ cán bộ nòng cốt trung kiên và công tác vận động quần chúng sẵn sàng tham gia cách mạng, tạo nên ba thứ quân đồng lòng, chung sức quyết tâm tiêu diệt kẻ địch cho đến khi giành chiến thắng cuối cùng.
Ngô Thành Trung
Các tin khác
- Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương soi sáng con đường cách mạng Việt Nam (25/05/2022)
- Sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin (25/05/2022)
- Kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 7/5/2022) Tầm vóc chiến thắng Điện Biên Phủ với cách mạng Việt Nam và thế giới (04/05/2022)
- Tác phẩm “Đường Cách mệnh” với vấn đề giải quyết mối quan hệ dân tộc – giai cấp của cách mạng Việt Nam (28/04/2022)
- Vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (26/04/2022)
- Ứng xử văn hóa trong môi trường mạng xã hội (26/04/2022)
- Kỷ niệm 152 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2022) (18/04/2022)
- Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2022) (08/04/2022)
- Kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến (2/4/1947-2/4/2022) (07/04/2022)
- Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/01/2022)
Trang đầu 1 2 3 4 5 Trang cuối