Di tích Văn hóa
1. Di tich lịch sử Khu vực "Rạch Bà Kiểu": ở ấp Lũy, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Là địa điểm ác liệt trong chiến dịch 18 ngày đêm đánh Mỹ của quân dân Phước Lại từ ngày 29 tháng 2 năm Đinh Mùi (1967). Suốt 18 ngày đêm vất vả chịu nhiều đói rét nhưng anh em du kích Phước Lại vẫn bám trụ kiên cường chiến đấu mặc dù chịu nhiều mất mát hy sinh, quân và dân Phước Lại vẫn vững lòng bám đất bám làng. Đây là trận đánh Mỹ đầu tiên của nhân dân Cần Giuộc nói chung, từ đây anh em du kích hiểu được thực chất tinh thần chiến đấu của Mỹ, để từ đó rút ra phương pháp đánh hay nhất. Sau trận chiến này, riêng xã Phước Lại được tuyên dương 5 dũng sĩ diệt Mỹ, trong đó thành tích Lê Chí A nổi bật nhất. Tổng kết cuộc chiến đấu ta tiêu diệt gần 200 tên Mỹ, thu 15 súng, bắn rơi 2 trực thăng.
Chiến dịch 18 ngày đêm đánh Mỹ ở Phước Lại năm 1967 là chiến dịch đầu tiên, mở màn cho phong trào đánh Mỹ của quân và dân Cần Giuộc. Thắng lợi này đã tạo cho Đảng bộ và nhân dân Cần Giuộc có kinh nghiệm thực tế đánh Mỹ, thúc đẩy phong trào trong toàn huyện, góp phần tich cực vào thắng lợi của chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ ở vùng Hạ Cần Giuộc 6/1967 và thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975.
2. Di tích lịch sử Khu vực Cầu Kinh
Nơi xảy ra trận đánh đầu tiên và ác liệt nhất trong chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ ở vùng Hạ Cần giuộc (từ 5/6 đến 20/07/1967): ở ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc.
Thời Pháp thuộc những năm đầu TK XX, thực dân Pháp tiến hành đắp một con đường đi qua vùng Hạ Cần Giuộc, chính là hương lộ 12 bây giờ. Đoạn đường ở khu vực Cầu Kinh thường bị sụt lở vì trũng và do một con rạch nhỏ chảy sát bên làm xói mòn chân lộ. Bọn Pháp liền cho đào một đoạn kinh dài hơn 1 km, cách xa cầu kinh cũ 20m về phía đông để thông thoát nước, không cho nước mỗi khi dâng lên dồn ứ lại gần con đường. Trên đoạn kinh đó bà con nông dân bắc một cái cầu (bằng gỗ) để đi lại, và cái tên "Cầu Kinh" xuất hiện từ lúc này. Năm 1992 nhân dân ở khu vực này đã tự quyên gop tiền của để xây dựng một cái cầu đúc thay cho cái cầu bằng gỗ trước đây. Song vẫn gọi là Cầu Kinh như trước.
Ở khu vực Cầu Kinh nơi xảy ra trận đánh đầu tiên và ác liệt nhất cả D5 Nhà Bè và lữ 2 Mỹ trên 1 khu đất rộng 2 ha tại gò nhà ông Tư Phi nơi bọn Mỹ kéo xác đồng bọn của chúng bị chết chất lên trực thăng để chở xác mang đi. Khu vực Cầu Kinh là nơi ghi dấu chiến công chống kẻ thù xâm lược của quân dân miền hạ Cần Giuộc, nó có giá trị chủ yếu về mặt lịch sử.
3. Di tích lịch sử Khu vực "Ngã ba mũi tàu": địa điểm tập trung cuộc biểu tình ngày 22 tháng 7 năm 1961 (năm Tân Sửu) của nhân dân huyện Cần Giuộc (ở xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Di tích có tên gọi Ngã ba mũi tàu vì nơi đây là giao điểm giữa liên tỉnh lộ 50 và hương lộ 15 tạo thành một ngã ba. Sau giải phóng 1975 do yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, khu vực ngã ba được mở rộng thêm 2 con lộ mới cắt tại giao điểm một hướng về Trị Yên (Tân Kim), một hướng về ấp Phước Hòa (Trường Bình) tạo thành một ngã năm. Nhưng tên gọi Ngã ba mũi tàu ngày nay nhân dân vẫn gọi như cũ.
Cuộc biểu tình ngày 22 tháng 7 năm 1961 (năm Tân Sửu) tức ngày 1/9/1961 ở Cần Giuộc là cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất huyện. Lần đầu tiên 20.000 nhân dân đã biểu dương sức mạnh của mình, trong 2 ngày đêm trên toàn huyện gây cho địch hoang mang dao động cuối cùng phải nhượng bộ, tên quận trưởng phải đích thân xin lỗi đồng bào và hứa chấp nhận các yêu sách là "chấm dứt việc bắn phá, dồn dân lập ấp, dỡ nhà, bắt gà, vịt để nhân dân tự do yên ổn làm ăn".
Thắng lợi của cuộc biểu tình đã chứng minh được sự chỉ đạo đúng đắn, tinh thần sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà tiêu biểu là Đảng bộ Cần Giuộc trong việc tập hợp mọi lực lượng cách mạng kết hợp linh hoạt giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang phá vỡ âm mưu "dồn dân lập ấp" của Mỹ - Diệm.
4. Di tích lịch sử khu vực Sân banh Cần Giuộc (Công viên Nguyễn Thị Bảy)
Nơi đây ghi lại sự kiện ngày 26/5/1941 thực dân pháp xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ yêu nước khác trong cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ Cần Giuộc, các đồng chí bị xử tử gồm: chính giữa là đồng chí Nguyễn Thị Bảy, bên phải là 2 đồng chí Đang và Châu, bên trái là 2 đồng chí Trần Chí và Mười Thiện.
Phút sắp lìa đời chị cùng các chiến sĩ hô vang khẩu hiệu:
"Đả đảo đế quốc Pháp
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm
Việt Nam độc lập muôn năm!"
5. Di tích lịch sử Khu vực Cầu Tre: địa điểm ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược (cuối tháng 10 – ÂL năm 1967) ở ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Tại khu vực này cuối tháng 10 ÂL (năm 1967), Đại hội 1 và Đại hội 3 của tiểu đoàn 5 Nhà Bè đã tổ chức trận chống càn tiêu diệt một đại đội địch và thu nhiều vũ khí. Với trận thắng này, ta đã lấy lại thế chủ động trên chiến trường và góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân.
Tên gọi Cầu Tre bắt nguồn từ hình ảnh của một cây cầu được làm bằng tre. Từ rất lâu, tại con rạch nối liền với sông Kinh Hàn có một cây cầu tre được bắc qua để cho người dân 2 bên rạch tiện qua lại. Dần dần cây cầu tre ấy trở thành tên gọi con rạch – rạch Cầu Tre và tên riêng cho khu vực dân cư xung quanh – khu vực Cầu Tre. Cây cầu tre hiện không còn nhưng tên gọi ấy vẫn lưu truyền cho đến nay. Khu vực di tích Cầu Tre hiện nay thuộc ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
6. Di tích lịch sử "Khu vực Gò Sáu Ngọc" ở ấp Phước Thuận, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cần giuộc (năm 1930).
Tháng 4 năm 1930 đồng chí Hồ Văn Long và một số đồng chí từ Bà Điểm đến Phước Lâm hoạt động đã bắt liên lạc với gia đình ông Bùi Bổn Phận (nhà ở trên khu gò, sau để lại cho bà Trang Thị Ngọc, địa phương quen gọi là "gò Sáu Ngọc") và có thời gian ở lại đây để hoạt động cách mạng. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động thử thách Chi bộ Đảng đầu tiên ở Phước Lâm đã ra đời vào năm 1930 do đ/c Phận làm Bí thư với một số đ/c như: Bùi Bổn Phận, Lê Mih Hào, Trương Văn Do và một số người khác …
Chi bộ Đảng ra đời đa đánh một bước ngoặc quan trọng đối với phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương. Ngay sau khi thành lập Chi bộ đã lãnh đạo cuộc đấu tranh như: đốt phá nhà hội Thuận Thành (ngày 1/5/1930) phối hợp với các địa phương khác khắp vùng Cần Đước – Cần Giuộc tham gia cuộc biểu tình ở Gò Đen năm 1930. Từ đây người dân và phong trào cách mạng ở Phước Lâm đã bước lên một bước mới đã có người lãnh đạo để từng bước đấu tranh giành quyền sống thật sự của con người.
7. Di tích lịch sử "Khu lưu niệm Nguyễn Thái Bình" ở ấp Trị Yên, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc là quê hương và cũng là đại điểm tưởng nhớ một tri thức trẻ, một nhân vật tích cực trong phong trào chống Mỹ - Ngụy của người Việt ngay trên đất Mỹ, một biểu tượng về lòng yêu nước của sinh viên Việt Nam trong mắt người yêu chuộng hòa bình những năm đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam.
Nguyễn Thái Bình là con trai lớn trong một gia đình tư chức nghèo đông con. Cha là Nguyễn Văn Hai, mẹ là Lê Thị Anh. Anh ra đời tại nhà bảo sanh Cần Giuộc – xã Trường Bình (nay thuộc thị trấn Cần Giuộc – tỉnh Long An) vào đêm 14/1/1948. Tiếng khóc chào đời của Nguyễn Thái Bình đã hòa lẫn vào tiếng súng nổ vang rền của một trận chiến đấu giữa lực lượng kháng chiến và quân Pháp ngay cạnh nhà bảo sanh Cần Giuộc vào đêm ấy. Chiến tranh và sự nghèo khổ mà gia đình và bản thân anh đã trải qua cũng như chứng kiến … đã hướng anh có suy nghĩ về quê hương đồng bào sau này khi đã lớn khôn.
Di tích "Khu lưu niệm Nguyễn Thái Bình" là một di tích có giá trị lớn về mặt lịch sử: Là quê hương và cũng là địa điểm để tưởng nhớ một tri thức trẻ Việt Nam dám đấu tranh chống Mỹ ngay trong lòng nước Mỹ những năm bọn đế quốc hung tàn này gây chiến tranh ở Việt Nam. Anh là biểu tượng đẹp về người thanh niên yêu nước biết sống ngẩng cao đầu và chết trong sự tiếc thương của cả dân tộc. Nguyễn Thái Bình đã sống xứng đáng với lương tâm và danh dự của tuổi thanh niên. Với cuộc đời ngắn ngủi của mình, anh đã để lại một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước và khí phách anh hùng cho tuổi trẻ Việt Nam.
8. Di tích lịch sử Đình Chánh Tân Kim ở ấp Tân Xuân, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc là một di tích lịch sử gắn liền với việc đi khai hoang mở đất lập làng của ông Tiền hiền họ Mai (Mai Văn Giã) từ miền Trung vào tận miền đồng bằng sông Cửu Long này. Công lao to lớn ấy được dân làng ghi nhớ và theo truyền thống, ông được thờ trong chánh Điện của đình với bài vị "Tiền hiền khai khẩn", hàng năm được dân làng tổ chức cúng vào dịp lễ Kỳ Yên.
Có thể gọi đình Chánh Tân Kim là một ngôi cổ đình vì nó đã tồn tại tính đến nay là 136 năm kể từ năm xây dựng 1860. Tuy đã có trùng tu ở Võ ca và Chánh điện nhưng vẫn còn giữ được yếu tố kín ở ngôi hậu sở. Và những hiện vật bài trí ở trong đình như câu đối, hoành phi, khánh thờ, linh vị cũng có niên đại trên dưới 100 năm.
Đình là một trong những thành tố của thiết chế văn hóa làng xã truyền thống. Tuy đối tượng thờ phụng trong đình có nhiều thành phần khá phức tạp nhưng đối tượng quan trọng vẫn là Thành Hoàng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã trở thành mái nhà chung chở che bảo vệ cho cán bộ đi về trú ẩn, hoạt động bí mật, là điểm hội họp và trao đổi những thông tin mật hiệu liên tục với những vùng căn cứ lân cận.
9. Di tích lịch sử văn hóa chùa Tôn Thạnh gắn liền sự tích ông Tăng Ngộ (ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc)
Nằm cạnh tỉnh lộ 835 thuộc địa phận xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc là một ngôi chùa đã nổi tiếng từ lâu trong lịch sử văn học: Chùa Tôn Thạnh – một di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng cấp quốc gia ngày 27/11/1997 (theo quyết định số 2890-VH/QĐ).
Chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã, được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808. Thiền sư có thế danh là Nguyễn Ngọc Dót, con của ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Trà Thị Huệ ở làng Thanh Ba thuộc tổng Phước Điền Trung, huyện Phước Lộc. Năm Gia Long thứ bảy (1808), sư Viên Ngộ đến làng Thanh Ba (nay thuộc xã Mỹ Lộc) cất chùa Lan Nhã – đó chính là chùa Tôn Thạnh hiện nay. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đây là ngôi chùa "rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng" nổi tiếng ở đất Gia Định xưa. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hi sinh thân mình để đem lại điều lành cho chúng sinh, nhân dân đã gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ.
Mười sáu năm sau, khi thiền sư Viên Ngộ viên tịch, chùa Tôn Thạnh đã đi vào lịch sử nước nhà với bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong thời gian ba năm (1859 – 1861) nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và làm thuốc.Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu, một trong ba cánh nghĩa quân đã xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan Hai Phú Lang Sa. Cảm khoái trước tấm lòng vị nghĩa của những người "Dân ấp, dân lân", nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng tại chùa Tôn Thạnh.
10. Di tích khảo cổ học Rạch Núi (ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần giuộc, tỉnh Long An)
Là một gò đất rộng khoảnh một hecta, đường kính trung bình 100m, cao hơn 6m so với mặt đất tự nhiên, xung quanh có rạch bao bọc. Trên mặt gò có nhiều cây cổ thụ, bao quanh gò là rạch núi là một con rạch nhỏ nhánh của sông Cần giuộc (sông Rạch Cát). Do địa thế cao giữa khu vực đồng bằng nên còn được gọi theo dân gian là gò Núi Đất (hay thổ sơn).
Năm 1867 (Đinh Mão) có vị sư Nguyễn Quới (thường gọi là thầy Rau) trên đường vân du đến đây, thấy địa thế tốt nên ở lại và xây dựng chùa trên đỉnh gò để tu hành. Tên hiệu của chùa là Linh Sơn Tự hay còn được gọi là Chùa Núi.
Về mặt tiền sử học, di chỉ cư trú Rạch Núi với bề dầy tầng văn hóa gần 5m chứng minh rằng sự có mặt từ rất sớm của cư dân bản địa trên đồng bằng sông Cửu Long, ổn định cuộc sống và phát triển khá lâu dài, sinh sống bằng cách khai thác các sản vật tự nhiên từ rừng, từ biển và dựa vào các nguyên liệu trên để chế tác công cụ lao động, săn bắt và qua các sưu tập hiện vật phong phú về chất liệu và loại hình ở đây đã gợi mở cho các nhà khảo cổ học một ý tưởng về một "Văn hóa Rạch Núi" (Phạm Văn Kỉnh năm 1978) hay mang tính chất văn hóa miền Đông Nam Bộ trong thời đại đá mới – đồng (Phạm Quang Sơn 1978), đặc biệt di chỉ Rạch Núi mang nhiều đặc điểm tương đồng với di chỉ An Sơn (Đức Hòa Long An) như: có tầng văn hóa dầy, xen lẫn nhiều lớp than tro, nhiều xương cốt động vật và vỏ sò ốc biển, có kỹ nghệ chế tác công cụ bằng xương, sừng động vật, có truyền thống sử dụng cà ràng … Ngoài ra, dạng công cụ bằng đá không có không có vai tương tự như ở Rạch Núi cũng đã xuất hiện trong tầng hỏa ở lớp trên của An Sơn … cùng thể hiện truyền thống văn hóa Đông Nam Bộ với đặc điểm địa phương của vùng đầm lầy ven biển.
Di chỉ Rạch Núi, với tầng văn hóa quan trọng và có nhiều di vật quí hiếm thuộc thời tiền sử mang ý nghĩa lớn lao trong việc đóng góp cho lịch sử địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
11. Di tích kiến trúc nghệ thuật "Miếu Bà Ngũ Hành" (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Miếu bà Ngũ hành Long Thượng, tọa lạc bên bờ Rạch Tràm đối diện chợ Long Thượng- xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Đó là một ngôi miếu cổ, một thiết chế văn hóa làng xã được hình thành trong quá trình khai hoang, lập làng của cư dân địa phương, thờ năm yếu tố vật chất theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành được tín ngưỡng hóa thành năm vị phúc thần là Ngũ Hành Nương Nương mà dân gian tin rằng có quyền năng trong các lĩnh vực liên quan đến vàng, bạc (kim), gỗ, cây (mộc), sông nước(thủy), củi lửa (hỏa) và đất đai (thổ), giúp cho mưa thuận gió hoà, bảo hộ nghề nghiệp. Miếu tọa lạc trên diện tích khoảng 500m2 trước chợ Long Thượng, qua lần trùng tu năm 1950, miếu vẫn còn giữ được nét cổ kính qua kiến trúc tứ trụ truyền thống kiểu đình làng, mái ngói âm dương, nóc trang trí các mô típ cổ điển như "lưỡng long tranh châu", "nhựt nguyệt",.. Miếu được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 1997 (Quyết định số 400/UBQĐ ngày 22/2/1997).
Đối tượng thờ chính là Ngũ Hành Nương Nương được thể hiện trên tranh nổi bằng gỗ, sơn màu, hình vuông, vị trí của mỗi bà theo màu áo và phương hướng Đông (Mộc), Nam (hỏa),Trung ương (thổ), Tây (kim), Bắc (thủy). Dù vậy, qua lối phối tự các vị trong bài trí thờ tự cho thấy nơi đây có sự dung hợp tín ngưỡng và Ngũ Hành Nương Nương ở đây tuy có nguồn cội sâu xa về triết lý Âm Dương-Ngũ Hành của Khổng giáo, Lão giáo ở Trung Hoa xưa nhưng về cơ bản mang yếu tố Việt. Các đối tượng phối tự trong miếu là một hệ thống cấu trúc như trong một ngôi đình Nam Bộ như; Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Thái giám Bạch mã, Thanh Long Bạch Hổ,.. bên cạnh Phật Quan Am Bồ Tát và các đối tượng thờ gốc Hoa do quá trình cộng cư như Quan Thánh đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đặc biệt, Nguyễn Hữu Tình, người được tương truyền đã chiêu mộ nghĩa binh ở địa phương chống Pháp trong phong trào Trương Định, hy sinh, cũng được nhân dân tôn kính lập bài vị thờ trong miếu. Toàn bộ được tôn trí một cách hài hòa trong chánh điện với hoành phi, câu đối, câu liễn, lỗ bộ được chạm trổ tinh vi, vàng son rực rỡ, thể hiện giá trị văn hóa vật chất, tinh thần tinh túy nhất của cộng đồng địa phương trong quá khứ.
Với lịch sử hơn 100 năm và trở thành nét văn hóa truyền thống của đất và người nơi đây,đặc biệt là Lễ hội Vía bà Ngũ Hành diễn ra vào dịp đại lễ Cầu an được tổ chức khá long trọng trong ba ngày 19, 20 và 21 tháng Giêng. Từ năm 2000 đến nay, do lượng khách hành hương quá đông, lễ Cầu an được kéo dài thêm 1 ngày (ngày 18). Cứ sau tết Nguyên Đán và rằm tháng giêng hàng năm, nhân dân trong vùng lại náo nức nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội của mình. Dưới sự giám sát của Ban hội hương, mỗi người theo chức trách được phân công bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Thanh niên thì tập trung vào việc dọn dẹp vệ sinh, treo đèn kết hoa, dựng rạp, kê bàn ghế, lau chùi, đánh bóng bàn thờ, đồ thờ. Phụ nữ thì lo việc hậu cần, đem gạo, hoa trái, rau củ,…đến hiến cho miếu để chuẩn bị tiếp đãi khách hành hương. Mọi người đều náo nức mong chờ ngày cử hành lễ Cầu An.
Diễn trình nghi lễ gồm các nội dung sau:
- Ngày 18 tháng giêng: lễ Khai môn thượng kỳ, lễ Mộc Dục, lễ Khai chung cổ, hương chức đình Long Thượng và miếu Kim Điền cúng Bà, lễ Khai mạc lễ hội (do chính quyền sở tại tổ chức), tiếp đãi quan khách và khách thập phương đến chiêm bái Ngũ Hành Nương Nương, Phật tử chùa Long Hoa tụng 3 thời kinh cầu an vào lúc 18-20 giờ, 23-24 giờ, 4-5 giờ.
- Ngày 19 tháng giêng: hát Bóng rỗi và múa bóng ca tụng sự linh hiển và công đức của Bà, lễ Đại bội, hát tuồng.
- Ngày 20 tháng giêng: lễ Túc yết, hát Bóng rỗi và múa bóng, hát chặp Địa Nàng.
- Ngày 21: lễ Đoàn Cả, Ban hội hương cùng Ban quản lý di tích họp tổng kết lễ hội.
Lễ vật cúng là những sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp mà địa phương sản xuất, gồm: thịt, xôi, trà, rượu, bánh, trái. Theo lệ xưa, thịt dùng để cúng Ngũ Hành nương nương là thịt heo.Trong lễ Yết, heo cúng Bà được gọi là heo Yết, trọng lượng khoảng 1 tạ, và phải là heo có sắc lông đen tuyền. Tuy nhiên, do khan hiếm nên ngày nay quy định này cũng được chế giảm. Ngoài ra, một số khách hành hương còn dâng cúng Ngũ Hành Nương Nương đầu heo luộc, heo quay, vịt quay trong lễ Cầu an. Xôi là lễ vật không thể thiếu vì là sản phẩm đặc trưng của nghề nông-nghề nghiệp của đại đa số nhân dân trong vùng.Trà, rượu, bánh, trái thường được chọn loại ngon nhất để dâng cúng. Bánh trái, hoa quả thì mùa nào thức ấy, tùy lòng hảo tâm, có thể dâng cúng bất kỳ loại hoa quả, bánh trái nào mà không cần kiêng kỵ.
Trong suốt bốn ngày, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng thực sự là một ngày hội của nhân dân địa phương và khu vực với các hoạt động cầu an, hội hè vui chơi và giao lưu cộng đồng.
Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng qua nghi thức cúng tế có thể thấy rằng ngoài nghi thức của một Lễ Kỳ Yên ở đình thờ Thần Hoàng bổn cảnh như Khai môn thượng kỳ, Khai chung cổ, Mộc dục, Đại bội, Túc yết và Đoàn cả, do tính chất thờ nữ thần nên Lễ Vía bà Ngũ Hành Long Thượng có nghi thức không thể thiếu, gọi chung là hát bóng rỗi. Đó là một hình thức diễn xướng tổng hợp được hình thành từ sự tiếp nhận, chắt lọc của nhiều dòng văn hóa, có chức năng thực hành nghi lễ, mà qua các trò diễn dân gian như khai tràng, thỉnh tổ - chầu mời, dâng bông, dâng mâm, bán lộc, an vị, mời tiên ra tuồng, Phước Lộc, Địa Nàng, nghinh bà và các trò diễn tạp kỹ khác, ngày nay lại có múa lân.., chúng ta có thể thấy bóng dáng của văn hóa Chăm trong nghệ thuật múa, văn hóa Hoa trong nội dung, đề tài và nghi thức cúng tế, văn hóa Việt trong nhạc lễ và đặc biệt trò diễn dân gian vui nhộn của Nam Bộ. Tụng kinh cầu an trong đêm 18 của Phật tử chùa Long Hoa cũng là điểm đặc biệt, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư nơi đây.
Do tính chất hội tụ này mà lễ hội Vía bà Ngũ hành Long Thượng đã thu hút quảng đại quần chúng nhân dân, với hàng chục ngàn người hành hương, lễ bái, cầu an, giao lưu, cộng cảm. Vì với trí thức, đó là hình trạng của "Tam giáo đồng nguyên", nhưng với người bình dân, đó là điều kiện (có đủ các vị thần) để chiêm bái, khẩn cầu, giao lưu cộng đồng trong bất cứ trường hợp nào.
Những đặc điểm trên của Lễ hội Vía bà Ngũ Hành ở Long Thượng cho thấy:
- Dưới góc độ tín ngưỡng, tục thờ mẫu nói chung và bà Ngũ Hành nói riêng, người Việt ở Nam Bộ không chỉ tiếp thu, ảnh hưởng, mà thực sự đã hình thành nguồn tín ngưỡng phổ biến, mang tính chất thiêng liêng về phương diện triết lý nhân sinh và nhận thức, thể hiện niềm tin của con người luôn khát vọng vươn lên gặt hái những thành tựu trong cuộc sống.
- Dưới góc độ giải trí, nghệ thuật múa tạp kỹ và những trò diễn xướng là nhằm thoả mãn nhu cầu vui chơi của cộng đồng trong các dịp lễ hội. Nhìn ở góc độ này, các nghệ nhân dân gian của loại hình này xứng đáng được nhìn nhận và đánh giá đúng mức hơn về vị trí của mình trong nghệ thuật truyền thống.
- Dưới góc độ xã hội, các nghi lễ cúng bà gắn với các trò vui là biểu hiện của tình đoàn kết xóm làng, là sự đồng tâm, đồng cảm của cộng đồng về một cuộc sống bình yên, lương thiện và phát triển. Đây là mỹ tục cần bảo lưu giữ gìn.
Gắn liền với những dặm đường lịch sử, Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng nói riêng, lễ hội tín ngưỡng dân gian nói chung là một bảo tàng sống động và phong phú về đời sống văn hóa- tinh thần của dân tộc. Mặc dù bên ngoài lễ hội bao giờ cũng hướng đến một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn: những nhiên thần và nhân thần, nhưng xét cho cùng cội rễ thì đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của những vị anh hùng vô danh đã từng khai cơ dựng nghiệp để tạo nên cuộc sống yên vui tốt đẹp cho làng - nước ở đời sau. Đó là những giá trị văn hóa, nhân sinh đích thực mà chúng ta cần có thái độ trân trọng đúng mực, từ đó xác lập một cách ứng xử phù hợp trong việc bảo tồn.
Ngày nay đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình ảnh cây đa cổ thụ và mái đình cổ kính gợi nhớ cho chúng ta về một thời kỳ nam tiến đầy gian khổ của cha ông đi khai hoang lập ấp trên mảnh đất này. Với ý nghĩa và nhận thức trên, sau khi Miếu Ngũ Hành Long Thượng được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1997, từ năm 2009 đến nay Lễ hội Vía bà Ngũ Hành tiếp tục được quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, trong việc cũng cố thành lập Ban Quản lý Di tích, Ban hội hương, góp phầ bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa nghệ thuật đồng thời lưu giữ, nghiên cứu các giá trị phi vật thể. Thiết nghĩ Miếu Bà Ngũ Hành và lễ hội Vía bà hằng năm là một nét văn hóa đặc sắc của nhân dân Cần Giuộc xứng đáng được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phát triển và cần đánh giá đúng mức giá trị lịch sử của nó, để trở thành một địa điểm du lịch văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển./.
12. Di tích lịch sử văn hóa "Chùa Thới Bình" tọa lạc tại ngã ba vàm Rạch Dừa thuộc ấp Phước Thới, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là một trong những ngôi cổ tự ở Long An xuất hiện cùng với quá trình Nam tiến đầy gian khổ của lưu dân người Việt với lòng mộ đạo của phật tử từ một thảo am ban đầu chùa đã phát triển thành một Đại Già lam. Là địa điểm lưu niệm một cao tăng trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam: Quốc sư Thích Từ Nhẫn. Chùa Thới Bình còn là một trong những ngôi tam bảo cuối cùng của Việt Nam được triều đình phong kiến sắc tứ …
Chùa Thới Bình bản thân nó thể hiện những giá trị văn hóa phong phú đặc biệt là văn hóa Phật giáo nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
13. Di tích chùa Thạnh Hòa tọa lạc tại ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An theo lời thượng tọa Thiện Xuân Hồng Khoa người trụ trì đời thứ 5 cho biết tên chùa là sự kết hợp giữa 2 chữ Thạnh và Hòa.
Thạnh: chữ được lấy ra từ tên gọi của xã Đông Thạnh.
Hòa: chữ được lấy ra từ tên gọi của hệ phái Lục Hòa Tăng (hệ phái của chùa)
Như vậy tên Thạnh Hòa được cấu tạo bởi sự kết hợp giữa địa danh nơi chùa được xây dựng và tên gọi của một hệ phái Phật giáo lúc bấy giờ.
Kiến trúc chùa Thạnh Hòa là một kiểu thức truyền thống rất đặc trưng cho kiểu kiến trúc đền chùa Nam bộ vào thế kỷ XIX. Với kế cấu "đâm trính cột kê" tạo dáng vuông tứ tượng ở giữa, thể hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan Đông phương. Phần kiến trúc phụ ở Đông lang và Tây lang với kiểu thức "trính xuyên lãng" là kết cấu truyền thống có nhiều ưu điểm tiêu biểu cho kiến trúc dân dụng nàh ở Nam bộ vào thế kỷ XIX – XX.
Về nghệ thuật trrang trí, điêu khắc tại chùa Thạnh Hòa thể hiện trên hoành phi, bao lam, câu đối, tượng thờ nói lên sự tinh xảo của bàn tay nghệ thuật nhân xưa từ bố cục đề tài xử lý kỹ thuật. Đây là một phần di sản văn hóa Phật giáo được lưu giữ qua nhiều thế hệ ở đại phương.
* Đại Già Lam: Phật quan công
Chùa Thạnh Hòa ngoài giá trị lịch sử về niên đại tạo dựng còn có ý nghĩa qua các pho tượng cổ được thờ phượng mang phong cách nghệ thuật điêu khắc truyền thống qua các thế kỉ XVIII, XIX cũng như ở giai đoạn muộn hơn.
Các hoành phi, câu đối tại nhiều gian trong chùa ngoài giá trị điêu khắc mỹ thuật, nội dung còn thể hiện trình độ uyên thâm về phật pháp của các đại sư. Đặc biệt hiện nay các chùa còn lưu giữ các sách chép tay chữ Hán: "Trai đàng Phát Nguyện Văn" và một số kinh tụng. Đó là những tài liệu quý cho công tác nghiên cứu cổ văn Hán tự và văn hóa Phật giáo Nam bộ.
Đây còn là nơi lưu niệm nhà sư Hồng Thanh – Thiện Thới – nhà sư trẻ tuổi, tài danh đã để lại dấu son trong lịch sử phát triển của chùa Thạnh Hòa và cả Phật giáo Nam bộ.
Chùa Thạnh Hòa là một công trình kiến trúc cổ, phản ánh những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống.
14. Di tích lịch sử Đình Phước Lý
Đình Phước Lý tọa lạc cách tỉnh lộ 835B khoảng 100m về phía Đông Nam, thuộc địa phận ấp Phước Lý, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đình không có sắc thần và được xây dựng từ thời điểm nào, đến nay chưa ai biết được một cách chính xác. Theo các bậc cao niên trong Ban hội hương, ngôi đình đầu tiên được xây dựng trên phần đất do ông Hồ Văn Nhi hiến. Cháu nội ông Hồ Văn Nhi là Hồ Văn Vĩnh đến nay cũng đã ngót 100 tuổi. Vì thế, có thể đoán đình Phước Lý được xây dựng cách nay khoảng 150 năm. Cho đến nay, đình Phước Lý đã được trùng tu nhiều lần. Ban đầu, đình được xây cất bằng tre lá, quy mô nhỏ. Sau đó vài chục năm, đình được mở rộng với cột gỗ, mái ngói, vách ván. Khoảng năm 1920-1930, nhân dân trong vùng đã đóng góp kinh phí để dựng thêm võ ca và nhà hậu sở. Năm 1950, vách gỗ của chánh điện được thay bằng vách tường, bàn thờ thần nông cũng được xây mới bằng bê tông. Vào những năm 1991-2007, toàn bộ kết cấu gỗ của đình Phước Lý (trừ đòn tay, rui, mè) đều được thay thế bằng bê tông. Tuy nhiên, đình vẫn còn giữ được mái ngói âm dương và kiểu dáng kiến trúc đình làng cổ truyền.
Hiện tại, trên bình đồ, đình Phước Lý có 3 lớp nhà là: võ ca, chánh điện và hậu sở, sắp xếp theo kiểu chữ tam, mặt chính diện quay về phía Đông Nam. Bên trong chánh điện có bàn thờ thần ở chính giữa, bàn thờ tả ban, hữu ban ở hai bên và bàn thờ Tiên sư, Tiền hiền, Binh đinh. Bàn thờ thần có tôn trí chữ Thần bằng chữ hán, một mũ cánh chuồn màu đỏ và một cặp kiếm. Mũ và kiếm này đã có từ lâu đời nhưng bị hư hỏng do thời gian nên đã được hương chức các thời kỳ đã thay thế bằng đồ tân tạo. Về lai lịch vị thần được thờ trong đình, các bậc cao niên trong ban quản trị cũng không nắm được rõ ràng. Theo ông bà truyền lại, khu đất xây dựng đình ngày xưa thuộc sở hữu của ông Hồ Văn Nhi, nhưng chưa được canh tác mà mọc đầy cỏ cây hoang dại, nhất là lức và ráng. Hôm nọ, có một người làm ruộng đi ngang qua đây, bị chột bụng mới ghé vào đại tiện. Khi về nhà, người này bị phát bệnh nặng, được thân nhân thuốc men, chạy chữa nhưng không thuyên giảm. Vì thế, gia đình mới rước thầy về đạp đồng xem bệnh. Có người nhập vào xác đồng nói rằng, khu đất hoang nói trên là chỗ thần nhân trú ngụ, người nào dám xúc phạm thì phải chết. Ba ngày sau, người bị bệnh qua đời. Vì
thế, hương chức trong làng mới lập miễu thờ thần tại khu đất hoang của ông Hồ Văn Nhi. Ban đầu, dân làng chỉ cúng thần có một lệ vào ngày 16 và 17 tháng giêng âm lịch. Đến lần cúng thứ ba, có một vị hương chức uống rượu vào bỗng nhiên được thần nhập xác, bảo dân làng phải cúng thêm 2 lệ nữa là Tống phong vào ngày 16 tháng 3 và Cầu bông vào ngày 16 tháng mười. Từ ngày đó, mỗi năm dân làng Phước Lý mới cúng thần 3 lệ, cho đến ngày nay.
Qua lời kể của Hội hương đình, tuy mang nhiều yếu tố huyền bí, nhưng chứa đựng những điều cốt lõi như sau:
- Đình Phước Lý hiện nay, ban đầu là một ngôi miếu thờ một vị thần không rõ lai lịch.
- Ban đầu, dân làng cúng thần chỉ có một lệ vào ngày 16 và 17 tháng giêng.
- Sau 3 năm, dân làng cúng thêm 2 lệ nữa là tống phong và cầu bông.
Như vậy, với xuất phát ban đầu là một ngôi miếu, sau ba năm, miếu này được chuyển chức năng thành đình với 3 lệ cúng thuộc về lễ nghi nông nghiệp là Kỳ yên, Tống phong và Cầu bông. Tới đây, một câu hỏi được đặt ra là tại sao ngôi miếu lại được chuyển thành đình sau 3 năm. Tại sao lai lịch của vị thần thờ trong đình được lưu truyền đầy màu sắc mê tín, trong khi hầu hết những ngôi đình ở Nam Bộ đều thờ Thành Hoàng bổn cảnh hoặc một vị nhân thần, nhiên thần hữu danh nào đó. Dường như hương chức thời đó lo ngại khi phải công bố chính thức danh tánh vị thần được thờ trong đình của mình nên mới thêu dệt xung quanh lai lịch vị này những sắc màu huyền bí. Đây là những điều mà những người nghiên cứu lịch sử phải làm rõ trên con đường tìm hiểu lai lịch vị thần được thờ tại đình Phước Lý.
Qua nghiên cứu hệ thống thờ tự trong chánh điện đình Phước Lý, chúng tôi thấy bàn thờ thần có tôn trí mũ cánh chuồn và cặp kiếm đã có từ lâu đời (nay làm mới do vật xưa đã hư hỏng) và trong các đối tượng được phối tự trong đình có các vị "Tiền binh đinh hữu công" (tạm hiểu là những binh sĩ có công trước đây). Qua đó, chúng tôi cho rằng vị thần được thờ tại đình Phước Lý là một nhân thần mà sinh tiền từng đảm nhiệm cả chức quan văn lẫn quan võ. Tiếp tục tra cứu những sử liệu có liên quan đến Phước Lý, được biết vào ngày 17/02/1859, thành Gia Định bị thực dân Pháp đánh chiếm, vị tướng giữ thành là Tổng đốc Võ Duy Ninh đã cùng tướng sĩ lui về thôn Phước Lý, huyện Phước Lộc. Ngày hôm sau (18/02/1859), ông đã tuẫn tiết bằng cách thắt cổ bởi không làm tròn trách nhiệm giữ thành mà triều đình giao phó. Từ kết quả khảo sát và những sử liệu trên, có thể vị thần được thờ tại đình Phước Lý chính là Tổng đốc Võ Duy Ninh. Ngày mất của ông (18/02/1859) quy ra âm lịch chính là ngày 16 tháng giêng năm Kỷ Mùi. Ngày này trùng hợp với ngày cúng Kỳ yên của đình Phước Lý. Thời điểm Võ Duy Ninh tuẫn tiết (năm 1859, cách nay đúng 150 năm) cũng trùng khớp với thời điểm ra đời của đình.
Võ Duy Ninh Ông có tên tự là Trọng Chí, biệt hiệu là Trúc Nghiêm, sinh năm 1804 tại làng Đại An, xã Hành Phong, tỉnh Quảng Ngãi. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), ông đỗ cử nhân tại trường thi Gia Định và được bổ chức Hành tẩu Bộ Lại. Năm 1847, ông được thăng lên Bố chính Phú Yên. Năm 1852, ông được triều đình điều về làm Tham tri Bộ Lại. Năm 1858, mẹ ông mất. Vì thế, ông về quê cư tang 3 tháng theo quy định của triều đình. Sau khi chịu tang mẹ xong, vào tháng 11-1858, triều đình cử ông vào Nam giữ chức Hộ đốc thành Gia Định. Đầu năm 1859, ông được thăng làm tổng đốc Định Biên (2 tỉnh: Gia Định và Biên Hòa). Ông vừa nhậm chức được 2 ngày thì tàu của thực dân Pháp vào cửa Cần Giờ, nổ súng tấn công thành Gia Định. Ông đã chỉ huy quân sĩ chống giặc gần một tháng trời. Với sức mạnh về vũ khí, giặc Pháp đã phá được các pháo đài dọc sông và công hãm thành Gia Định. Trước tình thế nguy ngập, Võ Duy Ninh chấn chỉnh đội ngũ và tinh thần binh lính, đồng thời hiệu triệu binh lính các tỉnh Nam Kỳ về cứu viện. Tuy nhiên, trước sức tấn công mãnh liệt của quân Pháp, thành Gia Định đã thất thủ ngày 17/02/1859. Thành mất, Võ Duy Ninh cùng binh sĩ chạy về thôn Phước Lý, huyện Phước Lộc (nay thuộc xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) rồi tuẫn tiết tại đây vào ngày 18/02/1859.
Tin thất thủ Gia Định bay về Huế, triều đình chiếu theo luật đã tước bỏ phẩm hàm Tổng đốc của Võ Duy Ninh. Nhờ Khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi khẩn thiết tâu bày, vua Tự Đức mới chấp thuận cho người vào Nam mang hài cốt Võ Duy Ninh về an táng tại xã Chánh Lộ (nay thuộc thành phố Quảng Ngãi). Mười tám năm sau (1867), Võ Duy Ninh mới được triều đình Huế khai phục chức Thị độc.
Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế đã viết về Võ Duy Ninh như sau:"Ông là vị tướng lĩnh cao cấp hy sinh đầu tiên trong Nam thời giặc Pháp cướp nước ta".
Ngày 07/7/2009 UBND tỉnh Long an có Quyết định số1652/QĐ-UBND công nhận Đình Phước lý là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, ngày nay nơi đây còn là chốn linh thiêng của một cộng đồng, nơisinh hoạt văn hóa, ôn truyền thống của các đoàn viên, học sinh, nơi bảo lưu các lễ hội truyền thống của dân tộc. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đình Phước Lý chính là việc làm thiết thực để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam./.
15. Khu tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc:
Ngày 17-12-2011, công trình "Khu tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc" được khởi công xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật tại thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc-nơi mà cách đây 150 năm, từ một trận đánh lịch sử, hình ảnh người nông dân lần đầu tiên đi vào văn học Việt Nam như người anh hùng qua áng văn bất hủ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
1. Từ trận đánh lịch sử
Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (17-2-1859), Đại đồn Chí Hòa (2-1861), rồi đánh lan ra xung quanh, phong trào vũ trang kháng Pháp bùng lên mạnh mẽ ở khắp Gia Định, Định Tường dưới ngọn cờ của Bình Tây Đại nguyên soái dân phong Trương Định, trong đó có hoạt động của nghĩa quân do Bùi Quang Diệu chỉ huy phát triển rất mạnh ở vùng Phước Lộc (nay là Cần Đước, Cần Giuộc).
Sau trận "Hỏa hồng Nhựt Tảo" (10-12-1861) nhấn chìm tàu giặc tại Vàm Nhựt Tảo của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, một khí thế tấn công vào đồn lũy của Pháp đã bùng lên ở khắp Tân An, Gò Công. Lúc này, Phó đô đốc Pháp Bornard (vừa thay thế đô đốc Charner) ra lệnh rút bớt lính ở các đồn để tập trung lực lượng đánh chiếm Biên Hòa nhằm chặn đường liên lạc giữa quân triều đình với quân ta ở miền Tây. Nắm được tình hình trên, đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu, tức 16-12-1861, Bùi Quang Diệu (1877, còn gọi là Đốc binh Là hay Quản Là, người làng Mỹ Lệ, tổng Lộc Thành Trung, huyện Phước Lộc, nay là xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) chỉ huy 3 cánh quân tập kích đồn Tây Dương ở chợ Trường Bình, Cần Giuộc. Nghĩa quân chiếm được đồn địch, đốt nhà dạy đạo và đâm bị thương đồn trưởng Dumont, chém chết một số lính Mã tà, Ma ní. Giặc Pháp phải điều động tàu chiến nã đại bác từ sông Cần Giuộc để chiếm lại đồn. Theo Paulus Huỳnh Tịnh Của, phía nghĩa quân hy sinh 15 người, nhưng theo báo cáo của Tuần phủ Gia Định Đỗ Quang, là 27 người.
Cảm kích trước tinh thần quả cảm của những người "dân ấp dân lân", bằng ngòi bút và tâm hồn trung nghĩa, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (lúc bấy giờ "tị địa" về Cần Giuộc, ở chùa Tôn Thạnh bốc thuốc, dạy dọc và sáng tác thơ văn yêu nước) đã viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để Bùi Quang Diệu đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ đã hy sinh trong trận này, theo yêu cầu của Tuần phủ Đỗ Quang. Và như chúng ta đã biết, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong khi tuân thủ chặt chẽ lề luật của một bài văn tế thông thường, đã vượt lên thành một tác phẩm văn học độc đáo, là bản anh hùng ca của người nông dân Nam Bộ, đã khích lệ cao độ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân trong hoàn cảnh bị thực dân xâm lược lúc bấy giờ.
2. Trở thành hình tượng trong văn học
Trận tập kích đồn Tây Dương-Cần Giuộc của những người nghĩa sĩ nông dân không những để lại dấu son trong lịch sử như là một trong những trận đánh tiêu biểu nhất của nhân dân Long An trong buổi đầu đánh giặc để giữ gìn "ngọn rau tấc đất" của cha ông, mà còn đi vào văn học vì gắn liền với sự ra đời của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc-tác phẩm đã đưa Nguyễn Đình Chiểu lên vị trí hàng đầu của các tác giả yêu nước nửa sau thế kỷ XIX.
Ở đó, lần đầu tiên trong văn học thành văn Việt Nam, hình ảnh người nông dân-chiến sĩ, người cố nông, bần nông-nghĩa sĩ được công khai vẽ lên và được ngợi ca với hình ảnh người anh hùng "chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm dân chiêu mộ". Vốn quanh năm "côi cút làm ăn, toan lo nghèo
khó", bên trong lũy tre làng, "chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ", thành thục với "việc cuốc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm", nhưng khi "mùi tinh chiến vấy vá đã ba năm", họ sẵn sàng xả thân vì nghĩa cả. Dẫu "chẳng quen cung ngựa...", nhưng với tinh thần "thà thác mà đặng câu địch khái..., hơn sống mà chịu chữ đầu Tây ...", trước thế giặc "bòng bong che trắng lớp", "ống khối chạy đen sì"..., người "Nghĩa sĩ Cần Giuộc" "chi nài sắm dao tu nón gõ", cũng chẳng đợi "ai đòi, ai bắt...", chỉ với "hỏa mai đánh bằng rơm con cúi...","gươm đao dùng một lưỡi dao phay..." đã không nệ hà "trống kỳ trống giục...", cũng chẳng sợ "thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to", vẫn "đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không", "chém rơi đầu quan hai nọ", "làm cho Mã tà, Ma ní phải hồn kinh"..., dù "một trận khói tan" nhưng "ngàn thu tiết rỡ"... Bằng sự gắn bó, lòng yêu thương và cảm phục, tinh thần quả cảm và sự hy sinh cao cả của "Nghĩa sĩ Cần Giuộc" trong bối cảnh nước mất nhà tan đã được Nguyễn Đình Chiểu ghi tạc vào Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc với hình tượng thật bi tráng, đầy sức nặng của một thời đại "nước mắt anh hùng lau chẳng ráo", thật sự là "những anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang" (Phạm Văn Đồng). Giáo sư-Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu đã thổ lộ: " ... Thật suốt hàng ngàn năm sáng tác cho đến đấy và còn lâu về sau nữa, chưa có một thi nhân nào rung cảm chân thành và sâu sắc với dân cày như thầy Nguyễn Đình Chiểu của chúng ta. Chưa có ai như Nguyễn Đình Chiểu đắp nên tượng lộng lẫy của người nông dân anh hùng cứu nước...!".
Với Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, hình tượng "Nghĩa sĩ Cần Giuộc" được tạc vào không gian lẫn thời gian như một tượng đài bi tráng, sừng sững với khí phách hiên ngang, tinh thần bất khuất và sự hy sinh cao cả để nói với muôn đời rằng:
"Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm sáu tỉnh chúng đều khen.
Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ".
3. Đến công trình văn hóa hôm nay
"Nghĩa sĩ Cần Giuộc" đã trở thành tượng đài bi tráng, tiêu biểu cho lòng yêu nước, sự hy sinh và khí phách anh hùng của người nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do vậy đã sống mãi trong lòng dân tộc. Với nhân dân Long An, đó là sự khởi đầu oanh liệt của truyền thống "trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc", và là niềm tin, động lực cho tương lai trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Từ nhận thức ấy, ý tưởng xây dựng tượng đài "Nghĩa sĩ Cần Giuộc" tại huyện Cần Giuộc để tôn vinh giá trị của tiền nhân đã được hình thành và bắt đầu được cụ thể hóa từ năm 2008. Tại Công văn số 1097-CV/VPTU ngày 24-6-2008, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giuộc phối hợp với các ngành lập dự án xây dựng công trình tại trung tâm thị trấn Cần Giuộc. Ngày 13-10-2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình "Khu Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc" với diện tích khoảng 1.800m2. Đó là một tổng thể gồm 2 phần: Phần hạ tầng kỹ thuật gồm các hạng mục như sân đường, hàng rào, cây xanh-thảm cỏ, hồ phun nước, điện chiếu sáng..., do Trung tâm Qui hoạch Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Long An thiết kế. Phần đài biểu tượng và nhóm tượng do nhà điêu khắc Phan Gia Hương thể hiện, hiện đã được Hội đồng nghệ thuật tỉnh duyệt phác thảo mẫu và cho phép tác giả tiếp tục công đoạn phóng to theo tỉ lệ thật để tiếp tục trình Hội đồng quyết định trước khi chuyển sang công đoạn thể hiện bằng đá granit theo thiết kế. Về ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm, bước đầu tác giả cho biết, với kích thước 9,5m cao x 9m dài x 4,5 m rộng, đài tượng là hình ảnh 3 cụm dừa nước hình chân vạc thể hiện sự vững chãi, tượng trưng cho hào khí Nam Bộ, có thiết kế phần khắc vào đá nội dung bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Nhóm tượng với hình tượng con người cao 2,7 m và những đường nét tượng trưng sẽ thể hiện khái quát cảnh quan đồng bằng Nam Bộ và miêu tả trận chiến đấu và hy sinh của "Nghĩa sĩ Cần Giuộc" theo tinh thần tác phẩm Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Từ ý tưởng đến hiện thực cũng như để công trình tôn vinh này tương xứng với tầm vóc của sự kiện đã đi vào lịch sử và văn học dân tộc là cả một quá trình, đòi hỏi sự nỗ lực đóng góp trí tuệ và công sức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Nhưng có thể khẳng định rằng, đây thực sự là biểu hiện của tấm lòng trân trọng, thiết tha với di sản tinh thần thiêng liêng của cha ông và là hành động thiết thực của thế hệ hôm nay trong việc kế thừa và phát huy sức mạnh từ quá khứ để tạo nền tảng tinh thần vững chắc, làm động lực góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho quê hương Long An trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
16. di tích lịch sử Miếu Hai Bà Trưng
Miếu Hai Bà Trưng nguyên là ngôi miếu thờ bà Ngũ Hành của nhân dân xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, được xây dựng vào thế kỷ XIX khi công cuộc khẩn hoang ở nơi đây vừa mới ổn định. Trong kháng chiến chống Pháp, nhằm đề cao tinh thần yêu nước, khơi dậy ngọn lửa đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, ông Đoàn Ngọc Tỷ - một nhân sĩ trí thức, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh xã Mỹ Lộc đã trưng cầu ý kiến nhân dân để thay đổi đối tượng thờ cúng từ bà Ngũ Hành sang Hai Bà Trưng tại miếu. Đước sự đồng thuận của nhân dân trong vùng, ông đã thỉnh linh vị của Hai Bà Trưng về thờ cúng tại miếu từ ngày 6/2/ năm Đinh hợi (1947) và ngày 6/2 ăm lịch hàng năm trở thành ngày cúng lễ định kỳ. Miếu Ngũ Hành chính thức được đổi tên thành miếu Hai Bà Trưng cho đến nay.
Với vị trí thuận lợi về địa hình, giáp ranh với xã Phước Hậu và Long Thượng, rất thuận lợi trong việc di chuyển đến các vùng lân cận nên khu vực miếu đã được các chiến sĩ cách mạng ở các đơn vị: Đại đội 316, Y4, Tiểu đoàn Phú Lợi, Tiểu đoàn Đồng Nai,…thường xuyên đi về hoạt động và làm căn cứ kháng chiến trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Địa danh Miếu Hai Bà Trưng đã trở thành nỗi kinh hoàng của bọn địch và mỗi khi phải đặt chân vào đây thì không tên nào không hoang mang, lo sợ bị cách mạng tiêu diệt. Ngoài ra, miếu còn gắn liền với sự ra đời của tổ chức Thanh niên Tiền Phong Mỹ Lộc vào tháng 7/1945; là địa điểm tập hợp lực lượng thanh niên nhập ngũ để đưa lên căn cứ Ba Thu và là nơi nhân dân tập trung trong các cuộc biểu tình chống thực dân, đế quốc đòi quyền dân chủ, dân sinh…
Là một thiết chế văn hóa cổ truyền của dân tộc, sự ra đời của Miếu Hai Bà Trưng gắn liền với công cuộc khẩn hoang, lập ấp của lưu dân người Việt trong quá trình mở đất phương Nam. Hiện tại, miếu là cơ sở tín ngưỡng duy nhất trên đất Long An với đối tượng thờ tự chính là Hai Bà Trưng. Lịch sử hình thành ngôi miếu phản ánh truyền thống bất khuất của nhân dân Mỹ Lộc nói riêng và nhân dân Cần Giuộc nói chung trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những giá trị cơ bản trên, miếu Hai Bà Trưng xứng đáng được bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị nhằm giáo dục truyền thống yêu nước của địa phương và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống./.